VÀI NÉT VỀ THIÊN NHIÊN, CON NGƯỜI VÀ TRUYỀN THỐNG Ở SƠN LONG

  1. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

      Vị trí địa lý, địa hình: Sơn Long là xã nằm ở cửa ngõ phía Đông của huyện Hương Sơn, gần với trung tâm huyện Đức Thọ, phía Bắc giáp xã Tân Mỹ Hà, phía Đông là hữu ngạn sông Thâm (sông Ngàn Sâu) (xã Đức Hoà - huyện Đức Thọ), phía Nam giáp xã Ân Phú (huyện Vũ Quang), phía Tây giáp xã Sơn Trà.

Sơn Long thuộc vùng 1 huyện miền núi Hương Sơn có địa hình thấp trũng ven sông (sông Ngàn Phố, sông Ngàn Sâu), hàng năm thường xuyên bị ngập lũ. Xã còn có một phần diện tích là đồi núi gồm vùng rú Cầu và núi Mồng Gà thuộc dãy Trường Sơn (nằm về phía Tây và Tây Nam của xã).   

Trên địa bàn xã có sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố và Hói Vàng, Hói Hến. Sông Ngàn Sâu chảy qua từ đầu xã đến cuối xã (từ thôn 4 giáp xã Ân Phú huyện Vũ Quang xuống thôn 1) với chiều dài 4000 m; sông Ngàn Phố chảy qua địa phận thôn 1, chảy từ xã Tân Mỹ Hà xống với chiều dài 500 m, Hói Vàng chảy từ địa phận xã Tân Mỹ Hà qua đồng De, đồng Hói và thôn 1 ra sông Ngàn Sâu với chiều dài 2000m; hói Hiến chảy từ địa phận xã Sơn Trà qua thôn 4 sau đó chảy ra sông Ngàn Sâu với chiều dài 1500 m . Sông ngàn sâu băt nguồn từ tỉnh Quảng bình chay qua Huyện Hương khê, Vũ Quang chay về cửa rào giao lưu với con sông ngàn trươi ( gọi là con sông ngàn sâu) con sông ngàn trươi được bắt nguồn từ huyện Hương khê  hai con sông nay chay qua  !3 xã của 4 huyện . Hàng năm nó mang lượng phù sa bồi đắp cho ruộng đồng thêm màu mỡ  ngoài ra nó cung cấp nguồn nước tưới tiêu vô tận cho cây trồng  và cung cấp khá lớn nguồn thủy sản cho dân cư   

Khí hậu: xã Sơn Long nằm trong tiểu vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa lại bị chi phối bởi yếu tố địa hình sườn đông dãy Trường Sơn nên có sự phân hóa phức tạp. Mỗi năm có bốn mùa nhưng có hai mùa rõ rệt:

Mùa nóng: kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9, nhiệt độ trung bình khoảng 300 - 350C. Về mùa này, Sơn Long chịu ảnh hưởng của gió phơn Tây Nam (thường gọi là gió Lào) xuất phát từ Ấn Độ Dương, qua Thái Lan và Lào gây mưa, khi vượt qua dãy Trường Sơn sang Việt Nam bị biến tính trở nên khô và nóng. Gió thường hoạt động từ tháng 5 đến tháng 9, mạnh nhất là vào các tháng 6,7,8 với cường độ thổi từ 11-14 giờ trong ngày, gây khô nóng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Trong nhân dân vẫn còn lưu truyền câu ca: “Lúa trổ lập hạ, buồn bã cả ngày” hay “Ba ngày gió nam, mùa màng mất trắng”. Tuy nhiên, vào cuối mùa nắng khí hậu có sự thay đổi khá rõ: từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 10 mưa bão xảy ra thường xuyên gây ngập lụt nhiều nơi. Lượng mưa trung bình của địa phương trong mùa này chiếm 80-90%, lượng mưa cả năm đạt từ 1.300 - 2.300 mm.

Mùa lạnh: kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Gió mùa Đông Bắc kéo từ cao áp Sybia vào làm cho nhiệt độ của vùng nhanh chóng giảm xuống. Thời kỳ đầu gió mùa Đông Bắc gây mưa lớn nhưng về sau lại chuyển sang mưa phùn và giá rét. Rét nhất là tháng Chạp (tháng 12) và tháng Giêng (tháng 1), nhiệt độ có khi xuống dưới 100C. Trong mùa này thường xuất hiện sương mù dày đặc vào các ngày chuyển tiếp từ lạnh sang nắng ráo. Với đặc điểm khí hậu này đã gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người, gia súc và hoạt động sản xuất.

Tài nguyên đất, rừng: xã Sơn Long có tổng diện tích tự nhiên là 581,7 ha, trong đó: 276,41 ha đất nông nghiệp, 268,14 ha đất phi nông nghiệp, 37,15 ha đất đồi trọc, bãi cát chưa sử dụng; 87,46 ha diện tích mặt nước sông, ao, hồ trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản 2.7 ha (chủ yếu nuôi cá nước ngọt), phần còn lại là diện tích sông Ngàn Sâu, hói Vàng, hói Hến chủ yếu dùng để tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp

Về thổ nhưỡng, vùng đồi núi chủ yêu là đất Fe-ra-lít được hình thành trên đá granít có cấu trúc nham thạch bằng các hạt Sy lích cát và sét, độ phong hóa thấp, chua, nghèo chất dinh dưỡng. Diện tích này chủ yếu để trồng rừng nguyên liệu, cây ăn quả. Vùng ven đồi, các chân ruộng bậc thang, đồng cao…đất nghèo chất dinh dưỡng, độ trầm tích mỏng, về mùa khô đất quánh cứng như đá nhưng khi mưa xuống lại nhão và trở nên lầy lội. Loại đất này rất khó canh tác, những nơi không chủ động được thường rất khó cày bừa, gây khó khăn cho người dân trong việc sản xuất. Đất vùng ven sông gồm có: đất cát pha nặng (đất thịt nhẹ) đất này có thể cấy lúa hoặc trồng cây lương thực khác. Ở những vùng thấp hơn cạnh bờ sông đất thường được bồi đắp phù sa hàng năm nên rất thích hợp cho việc trồng cây màu như: lạc, đậu, vừng, ngô…; trồng các loại rau ngắn ngày như: rau cải, khoai lang, bầu… Những năm thời tiết thuận lợi, mưa thuận gió hòa, cây trồng phát triển tốt, cho năng suất và sản lượng cao. Những năm mưa to, nắng nhiều, hạn hán, lũ lụt xảy ra, cây trồng không phát triển được, mùa màng thất thu, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.    

Xã Sơn Long có 5 ha rừng, chủ yếu tập trung ở thôn 5 thuộc dãy núi Mồng Gà. Trước đây rừng ở Sơn Long có nhiều lâm thổ sản quý như: các loại gỗ lim, táu; các loại tre, nứa, song mây, cọ và các loại dược liệu làm thuốc. Động vật hoang dã ở rừng Sơn Long cũng tương đối phong phú. Theo các cụ cao niên kể lại, trước đây, người dân sống cùng chim thú, lợn rừng, gấu về phá hoại hoa màu tại vùng bãi Trạng. Ngoài ra, trong rừng ở Sơn Long còn có hươu, nai, chồn, cầy hương, rắn, trăn, kỳ nhông, kỳ đà …. Tài nguyên rừng ở Sơn Long trước đây rất có giá trị nhưng do chiến tranh và sự tàn phá của con người đã làm cho các loài gỗ, chim thú cạn kiệt dần, gây ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái, môi trường khí hậu của vùng.

Đường giao thông: Hệ thống đường giao thông ở Sơn Long khá hoàn chỉnh. Trên địa bàn xã có Quốc lộ 8A chạy qua khoảng 3,5 km (một đầu tiếp giáp với Cầu Lĩnh Cảm xã Đức Hòa (huyện Đức Thọ), một đầu tiếp giáp với xã Sơn Trà). Ba tuyến đường liên xã (huyện lộ) là: đường 8 cũ (8B) điểm đầu tiếp giáp với Quốc lộ 8A (thôn 2) chạy qua thôn 1 đến xã Sơn Tân với chiều dài 1,5 km; đường Long Giang có điểm đầu tiếp nối với Quốc lộ 8 chạy qua thôn 3 và 5 tiếp giáp với xã Ân Phú (huyện Vũ Quang) với chiều dài 1,5 km; đường Long - Trà - Hà điểm đầu nối với Quốc lộ 8A chạy qua thôn 4 tiếp giáp với xã Sơn Trà chiều dài gần 1 km. Đường trục xã (đường kè bờ sông) với tổng chiều dài 3 km; đường liên thôn với tổng chiều dài 22,38 km tiếp giáp với đường liên xã, Quốc lộ 8A, tỉnh lộ 8B; đường liên gia gồm 55 tuyến với tổng chiều dài 25,3 km. Với hệ thống đường giao thông hoàn chỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân đi lại, giao lưu buôn bán rộng rãi với nhiều vùng khác nhau.   

II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH DÂN CƯ, LÀNG XÓM

Hiện nay, chưa có những phát hiện khảo cổ để khẳng định trên đất Sơn Long có con người sinh sống. Tuy nhiên, ở Hương Sơn thời kim khí cụ thể là thời đại đồng thau tương đương với Nhà nước Văn Lang của các vua Hùng và tiếp đó là thời Bắc Thuộc ngót 1000 năm, tại đây đã có người ở. Di chỉ đồ đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn phát hiện được ở xã Sơn Phú và sự tồn tại của 13 “kẻ” – đơn vị dân cư tương đương với làng sau này- là dấu tích của những làng rất cổ càng sáng tỏ, khẳng định thêm điều đó. Sơn Long là vùng đồng bằng, nơi họp lưu của ba con sông (sông La, Sông Thâm và sông Ngàn Phố), có vị trí khá thuận lợi, gần với xã Sơn Phú và trong 13 Kẻ ở Hương Sơn thì mảnh đất Sơn Long ngày nay gọi là Ác (tên chữ Dĩ Ốc), điều đó cho thấy nơi đây đã có con người sinh sống. Tuy nhiên, số người này hiện nay không còn di duệ.

Bước sang thời kỳ tự chủ từ thế kỷ X – XV, các dòng họ từ nhiều nơi đã đến Sơn Long sinh sống. Theo gia phả các dòng họ, thần tích các đền, đình, chùa, miếu mạo cho thấy vùng đất này có con người sinh sống khá sớm. Vào cuối thế kỷ XIV, đầu XV, một số sỹ phu không muốn ra làm quan đã chọn Sơn Long làm nơi ở ẩn hoặc một số vị quan, tướng lĩnh được triều đình phân về trấn giữ vùng biên viễn, phên dậu phía Nam của Đại Việt đã chọn vùng đất này lập cơ nghiệp, hình thành các cụm dân cư. Cụ thể là: Hai cha con Trạng nguyên(2) Sử (Trần) Hy Nhan và Sử (Trần) Đức Huy quê làng Ngọc Sơn không chịu cộng tác với tướng nhà Minh là Trương Phụ và Hoàng Phúc nên đã về ẩn đật tại chân núi Mồng Gà (năm 1407). Hai ông đã tổ chức nhân dân khai phá đất hoang thành ruộng, vườn lập thành ấp trại Đầu (xã Ân Phú), Sủng Ốc, Long Ốc (Sơn Long), Huệ Ốc (Đức Hòa). Thời điểm này, các làng, xóm gọi là “ấp” - nghĩa là chỉ từ 5 đến 7 nóc nhà như trang trại sản xuất. Để tưởng nhớ công đức to lớn của 2 vị Trạng Nguyên đã có công khai phá và lập nên cơ nghiệp ban đầu các làng, nhân dân đã lập đền Quan Trạng để thờ. Hàng năm, nhân dân các làng Long Ốc, Ân Phú, Đồn Mỹ về đây tổ chức lễ hội.

Ở Sơn Long còn tồn tại truyền thuyết về cụ Hầu Hiến: là một người học giỏi, cương trực, thi đậu cử nhân ra làm quan thời nhà Trần. Do không chịu được cuộc sống quan trường đầy thối nát, tham nhũng nên ông đã từ quan về dạy học ở vùng Trại Đầu (hyện Hương Khê). Tuy ở trong làng một thời gian không lâu nhưng ông đã thể hiện là một người cương trực, thanh bạch, nhân ái nên được nhân dân quý mến. Khi ông bỏ làng ra đi và mất, nhân dân đã lập đền thờ ngay trên nền nhà của ông ngày trước. Ngôi đền gồm 3 gian, lợp ngói nằm trên bờ sông nhìn xuống vực Ác. Nhân dân thường gọi là điện Quan Hầu Hiến. Hàng năm, cứ đến ngày 15 tháng 6 (âm lịch) nhân dân tổ chức lễ hội, thu hút nhiều người trong cả tổng Dĩ Ốc về dự. Sau Cách mạng tháng Tám (1945) theo chủ trương hợp tự, 2 công trình quan trọng có tính chất lịch sử của quê hương đã bị phá, chỉ còn lại 2 địa danh là bãi Trạng (dưới chân núi Mồng Gà) và cầu Hói Hến.

Sau các ông Sử (Trần) Huy Nhan và Sử (Trần) Đức Huy, ông quan Hầu Hiến ở Sơn Long còn có các ông thuộc dòng họ Cù, họ Phạm, họ Đoàn… đã đến đây lập nghiệp, dân cư của xã được bổ sung ngày càng nhiều, sống chủ yếu ở dọc bờ sông Thâm. Sau Cách mạng tháng Tám, dân cư được phân bố lên vùng rú Ky, rú Ngai, rú Bù và chân núi Cầu như bấy giờ. Quá trình hình các điểm tụ cư ở Sơn Long là quá trình lẫn núi rừng làm nương rẫy và khai thác đầm lầy thành ruộng lúa nước. Thành phần dân cư của Sơn Long là người kinh. Tuy lúc này các điểm tự cư chưa trở thành làng nhưng đã manh nha cho việc thành lập các làng, các xã sau này. Năm 2010 dân số của xã là 835 hộ, 3.115 nhân khẩu.

Về tên gọi và diên cách địa lý xã Sơn Long qua các thời kỳ có nhiều thay đổi. Trước đây, Sơn Long có tên gọi là kẻ Ác (tên chữ là Dĩ Ốc), thời nhà Trần, Lê, Sơn Long được gọi là ấp, trang. Thời nhà Nguyễn, năm Tự Đức thứ 21 (1868) đến trước Cách mạng tháng Tám (1945), xã Sơn Long gồm hai làng Long Ốc và Sủng Ốc thuộc tổng Dĩ Ốc. Sau Cách mạng tháng Tám (1945), hai làng Long Ốc và Sủng Ốc nhập với làng Trại Đầu thành xã Dỹ Long. Cuối năm 1949, thực hiện chủ trương từ xã nhỏ sáp nhập thành xã lớn, hai xã Dĩ Long và Đôn Mỹ nhập lại thành xã Mỹ Long. Cuối năm 1953 đầu năm 1954, theo chủ trương của cấp trên, xã Mỹ Long tách ra thành hai xã: Dĩ Long và Đôn Mỹ cũ nhưng tên gọi thay đổi theo quy định của huyện (lấy chữ đầu của tên xã là chữ cuối của tên huyện). Vì thế, xã Dĩ Long được đổi thành xã Sơn Long. Tên gọi xã Sơn Long bắt đầu có trên bản đồ hành chính huyện Hương Sơn từ đó đến nay.

 

 

(2) Sử  (Trần) Hy Nhan đậu trạng nguyên năm Quý Mão (1368) đời Trần Dụ Tông. Có công viết cuốn đại Việt sử liệu đời Trần. Do giỏi sử nên được nhà vua ban cho kim ngư Đại (túi đựng hình con cá vàng) và cho đổi tên họ Trần Thành họ Sử. Ông làm quan đến chức nhập nội hành khiến chi kinh diên.

      Con là Sử Đức Huy đậu Trạng Nguyên năm Tân Đậu (1381), làm quan thời Hậu Lê (Lê Thái Tổ), sử quan ở Viện Hàn Lâm và quốc Tử Bác sỹ sau thăng bộ Hộ Thượng Thư, 2 lần được cử đi sứ sang Trung Quốc.

Bản đồ hành chính
 Liên kết website
Thống kê: 195.323
Online: 20